CHƠI TÀI MÀ VÀ… NGỦ


NguSayCơm rau thời lạm phát

Cuối năm 2007, kinh tế Việt Nam đã bước vào thời kỳ cái gì cũng tăng tăng, chỉ có người Việt là… xuống giá, một dấu hiệu cho thấy đời sống đại đa số người lao động bắt đầu phải khó khăn hơn để “chiến đấu” với cái ăn cái mặc hằng ngày. Rồi MTTQ VN kêu gọi toàn dân tham gia tiết kiệm, kềm chế lạm phát. Chả biết “kềm chế” như thế nào mà hồi tháng 4/2008 sinh ra cơn sốt gạo.

Thời xăng tăng giá, mua mớ rau, con cá nhép cũng phải tính từng xu, ai có tinh thần “lạc quan tếu” thì cố đùa rằng tăng giá cũng có “lợi” vì khỏi tốn tiền đi “tắm ốm”.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, người Việt Nam cũng không thể né tránh khỏi thực tế là giá vàng tăng mạnh, tháng 6/2008 tiền và chứng khoán Việt Nam cùng mất giá.

Thống kê chính thức ước tính tỉ lệ lạm phát của Việt Nam ở tháng 7 là 27,04%, dù chưa tính tác động của việc tăng giá xăng mới đây.

Xăng tăng giá 19.000đ/lít làm nhiều người nghĩ đến việc đi làm bằng xe đạp. Riêng tôi, trong cái không khí nóng bức, ô nhiễm và thường xuyên kẹt xe ở xứ Sài Gòn này, tôi nghĩ thêm việc đi làm phải mang theo 1 bộ quần áo “đính kèm” nếu phải đi xe đạp. Và tôi tưởng tượng ra cảnh hãi hùng là mỗi ngày phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để đạp xe đi làm, đến nơi với bộ dạng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, rồi chen chúc cùng các đồng nghiệp xếp hàng chờ đến lượt mình vào nhà tắm để kịp 7 giờ sáng bắt đầu ngày làm việc.

Và ăn chơi thời lạm phát

Điều tôi lấy làm ngạc nhiên là mặc dù đang thời kỳ khủng hoảng và lạm phát, bữa ăn hàng ngày thịt cá teo tóp nhường chổ cho rau luộc; nhưng từ đầu năm 2008 đến nay sao mà Nhà nước ta tổ chức cho dân chúng nhiều trò ăn chơi vui vẻ đến thế, hình như nhiều hơn, quy mô hơn các năm về trước nữa.

Ở đây, tôi chỉ điểm qua các lễ hội có sự tổ chức quy mô của cơ quan Nhà nước, không nhắc đến các loại lễ hội khác của các tổ chức, câu lạc bộ, hội đoàn này nọ nhiều như nấm mọc sau cơn mưa.

Không kể đến lễ hội Festival Huế, Chùa Hương, Lễ hội đền Hùng năm nào cũng có, thì năm nay xuất hiện thêm Lễ hội cồng chiêng Đạ Gồs 2008, lễ hội Carvanal Hạ Long 2008, Lễ hội thời trang tóc 2008 tại nhà hát Hòa Bình, Lễ hội Văn hóa – Du lịch 2008 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Lễ hội trái cây Nam bộ 2008, Lễ hội Làng Sen 2008, Lễ hội Lam Kinh 2008 ở Thanh Hóa, Lễ hội Quán Thế Âm 2008 tại Thừa Thiên – Huế, Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh lại tổ chức Lễ hội Xuân Hà Nội 2008 (không phải Xuân thành phố HCM, tức phải cơm ghe bè bạn hơn 1.000 km từ TP HCM ra Hà Nội mới có Xuân cơ đấy!), Lễ hội trên mây 2008 ở Sa Pa, Lễ hội “Du lịch về cội nguồn” 2008Lễ hội Thương mại & Du lịch Hà Tỉnh 2008, Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi 2008, Lễ hội Đền Đô 2008 ở Hà Nội, Lễ hội thời trang 2008 tại NVH Thanh Niên.

Đặc biệt, có 2 lễ hội được du nhập từ nước ngoài vào rầm rộ là Lễ hội Ý 2008 tại Việt Nam, Lễ hội Hoa Anh Đào 2008 tại Việt Nam.

Cuối cùng là Festival Tây Sơn – Bình Định khai mạc ngày 1/8/2008.

Các người đẹp Việt Nam cũng thi nhau cạnh tranh nhan sắc, quyết chẳng chịu kém ai. Nào là Hoa hậu miền đất võ 2008, Hoa hậu Việt Nam 2008, Hoa hậu Du lịch 2008, Hoa hậu châu Á 2008 tại Việt Nam, Hoa hậu đồng bằng sông Cửu Long 2008. Quy mô, rầm rộ nhất, chiếm lĩnh trang nhất các tờ báo trong nước suốt hơn 1 tháng là việc Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008.

Anh bạn thể thao cũng hùng hổ tranh phần nổi tiếng. May mắn là đầu năm 2008, các fans phái túc cầu được ăn theo Euro 2008 suốt cả tháng trời nên các nhà quản lý chỉ mất công to mồm trên báo mà chẳng mất đồng nào. Sau đó đến việc chạy theo Cúp bóng đá quốc tế TP HCM 2008. Hết cúp này rồi đến cúp khác, để không khí thể dục thể thao không xẹp xuống, VFF bèn quyết tâm mời Olympic Brazil đá giao hữu với đội Việt Nam với cái giá ngất ngưỡng 10 tỷ đồng để có 90 phút thi đấu.

Cứ nhìn cảnh fans cuồng Việt Nam làm cho đội Olympic Brazil phát khiếp cũng biết các bác quản lý đạt “hiệu quả” đến cỡ nào.

Thằng cháu tôi thì từ sáng đến tối nó cứ “tra tấn” tôi bằng Games Show trên truyền hình Nhà nước đến phát điên lên được.

Coi như Nhà nước ta quan tâm chu đáo, tất cả thành phần dân chúng nam phụ lão ấu, già trẻ bé lớn đều có việc để theo dõi, vui chơi.

Thôi thì chúng ta cứ lo xem lễ hội, lo xem hoa hậu, lo xem bóng đá, lo xem games show… rồi đi ngủ thôi. Quên lạm phát, quên xăng lên giá, quên thực phẩm lên giá, quên mỗi ngày chỉ hai bữa cơm rau mất béng đi thịt cá, và quên rằng chính ta đang xuống giá.

Sài Gòn, ngày 02 tháng 12 năm 2008

Tạ Phong Tần

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.